Chức năng Học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Marx Lenin

Bản chất giai cấp của nhà nước được thể hiện ở các chức năng của nó. Tùy theo góc độ khác nhau, chức năng của nhà nước được phân chia khác nhau. Dưới góc độ tính chất của quyền lực chính trị, nhà nước có chức năng thống trị chính trị của giai cấp và chức năng xã hội. Dưới góc độ phạm vi tác động của quyền lực, nhà nước có chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. Trong các yếu tố của kiến trúc thượng tầng, nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có tác dụng quyết định năng lực hiện thực hóa của một nền kinh tế vì nó là lực lượng vật chất có sức mạnh kinh tế.

Bạo lực [quyền lực nhà nước] cũng là một lực lượng kinh tế
— Ph.Ăng-ghen[19]

Thống trị và xã hội

Bên cạnh việc nhấn mạnh bản chất giai cấp của nhà nước, Ph.Ăng-ghen còn đánh giá đúng tầm quan trọng về bản chất xã hội của nhà nước

Chức năng thống trị chính trị của giai cấp (hay chức năng giai cấp) là chức năng nhà nước làm công cụ chuyên chính của một giai cấp nhằm bảo vệ sự thống trị giai cấp đó đối với toàn thể xã hội. Chức năng giai cấp của nhà nước bắt nguồn từ lý do ra đời của nhà nước và tạo thành bản chất chủ yếu của nó. Chức năng xã hội của nhà nước là chức năng nhà nước thực hiện sự quản lý những hoạt động chung vì sự tồn tại của xã hội, thỏa mãn một số nhu cầu chung của cộng đồng dân cư nằm dưới sự quản lý của nhà nước.

Trong hai chức năng đó thì chức năng thống trị chính trị là cơ bản nhất có vai trò chi phối chức năng xã hội phải phụ thuộc và phục vụ cho chức năng thống trị chính trị. Giai cấp thống trị bao giờ cũng biết giới hạn kiện toàn cách thực hiện chức năng xã hội trong khuôn khổ lợi ích của mình. Song, chức năng xã hội lại là cơ sở cho việc thực hiện chức năng giai cấp, bởi vì chức năng giai cấp chỉ có thể được thực hiện thông qua chức năng xã hội và cũng chỉ thực hiện tốt chức năng xã hội thì vai trò, tư cách đại biểu, đại diện cho xã hội, toàn thể cộng đồng mới có hiệu lực nhất. Ph. Ăngghen viết:

Ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó
— Ph.Ăng-ghen[20]

Đối nội và đối ngoại

Sự thống trị chính trị và sự thực hiện chức năng xã hội của nhà nước thể hiện trong lĩnh vực đối nội cũng như trong đối ngoại. Chức năng đối nội của nhà nước nhằm duy trì trật tự kinh tế, xã hội, chính trị và những trật tự khác hiện có trong xã hội. Thông thường điều đó phải được pháp luật hóa và được thực hiện nhờ sự cưỡng bức của bộ máy nhà nước. Ngoài ra, nhà nước còn sử dụng nhiều phương tiện khác (bộ máy thông tin, tuyên truyền, các cơ quan văn hóa, giáo dục...) để xác lập, củng cố tư tưởng, ý chí của giai cấp thống trị, làm cho chúng trở thành chính thống trong xã hội.

Chức năng đối ngoại của nhà nước nhằm bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia và thực hiện các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội với các nhà nước khác vì lợi ích của giai cấp thống trị cũng như lợi ích quốc gia, khi lợi ích quốc gia không mâu thuẫn với lợi ích của giai cấp thống trị. Chức năng đối ngoại là sự liên tục của chức năng đối nội. Ngày nay, trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế (toàn cầu hóa, thế giới phẳng) thì việc mở rộng chức năng đối ngoại của nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt.

Nhưng cho dù như thế nào đi chăng nữa, theo quan điểm Mác-xít thì cả hai chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước đều xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị. Chúng là hai mặt của một thể thống nhất. Tính chất của chức năng đối nội quyết định tính chất chức năng đối ngoại của nhà nước ngược lại tính chất và những nhu cầu của chức năng đối ngoại có tác động mạnh mẽ trở lại chức năng đối nội.